Vào sáng ngày 23/08/2024, ISC phối hợp cùng Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội thảo Nuôi trồng thuỷ sản thông minh. Hội thảo đã thu hút trên 80 hộ nông dân, hợp tác, các doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đến tham dự.
Tại Hội thảo, Ông Võ Văn Trung – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang cho biết “tỉnh Hậu Giang có tổng diện tích đất nông nghiệp là 133.330 ha (chiếm 86% diện tích đất tự nhiên) đang tập trung chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác hoặc nuôi thuỷ sản cho hiệu quả kinh tế cao hơn” đã cho thấy tiềm năng trong việc ứng dụng công nghệ cho hoạt động nuôi trồng thuỷ sản.
Ông Võ Văn Trung – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang phát biểu tại Hội thảo
Bên cạnh đó, Hội thảo đã nghe 3 chuyên gia đến từ Đài Loan (Trung Quốc) trình bày các nội dung liên quan đến định hướng và ứng dụng công nghệ trong việc nuôi trồng thuỷ san. Ông Liu Sheng Yung, Chủ tịch Hiệp hội Phát sáng Nuôi trồng Thủy sản Thông minh Đài Loan (TSAGA) đã giới thiệu tóm tắt các hoạt động chuyển đổi số trong nuôi trồng thủy sản nhằm mục tiêu thúc đẩy phát triển các lĩnh vực năng lượng xanh có quy mô lớn, giúp việc nuôi trồng thuỷ sản đạt hiệu quả cao theo hướng phát triển bền vững. Thông qua ứng dụng AIoT (trí tuệ nhân tạo và internet vạn vật), TSAGA đã tạo ra một loại hình nuôi trồng thủy sản quy mô lớn mới tích hợp các trang trại nuôi trồng thủy sản, khu tham quan và các ứng dụng giải trí.
Chuyên gia giới thiệu về công nghệ nuôi trồng thuỷ sản thông minh tại Hội thảo
Ông Chiu Jing-Ming, Quản lý chuyển đổi số nuôi trồng thuỷ sản, Viện Công nghiệp Thông tin đã trao đổi về Kinh nghiệm trong chuyển đổi số nuôi trồng thuỷ sản. Đài Loan (Trung Quốc) thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong nuôi trồng thủy sản theo hướng ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ để thiết lập mô hình nhằm ghi lại và mô phỏng môi trường nuôi trồng thủy sản thực tế. Cùng với ứng dụng trí tuệ nhân tạo, giúp người nuôi trồng thuỷ sản vượt qua các thách thức để nâng cao sản lượng, quy mô quản lý và cải thiện chất lượng thu hoạch thuỷ sản.
Ông Jim Yang, Tổng Giám đốc, JNC Technology đã giới thiệu hệ thống IoT nuôi trồng thuỷ sản. Bằng các thao tác đơn giản trên điện thoại di động có thể nắm bắt về chất lượng nước của trang trại từ bất kỳ vị trí nào và thông qua công nghệ AI.
Trao đổi biên bản ghi nhớ về nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản thông minh
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp, quan tâm của các hộ nông dân đang nuôi trồng thuỷ sản. Nhân dịp này, ISC và JNC Technology cũng trao đổi biên bản ghi nhớ sẽ tập trung vào hỗ trợ chuyên môn trong nghiên cứu và phát triển công nghệ nuôi trồng thuỷ sản thông minh. Tạo điều kiện cho các nhà khoa học và doanh nghiệp trao đổi, hợp tác trong tất cả lĩnh vực nông nghiệp.
Trong thời gian sắp tới, ISC sẽ tiếp tục đóng vai trò là trung tâm đổi mới sáng tạo và vườn ươm công nghệ tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. ISC thúc đẩy các công nghệ trong 3 lĩnh vực gồm: công nghệ thông tin – tập trung về nội dung số BPO/GSS, Công nghệ cho nông nghiệp ưu tiên vào ứng dụng công nghệ để Nuôi trồng thủy sản và giáo dục STEM.